Bối cảnh Biểu tình Tây Nguyên 2004

Giai đoạn chiến tranh

Quốc trưởng Bảo Đại ban hành Dụ số 6—Hoàng triều Cương thổ—quy định vùng Cao nguyên Trung phần thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn vào ngày 15 tháng 4 năm 1950, tuy nhiên vùng đất vẫn do Đế quốc thực dân Pháp quản lý và giới hạn giao thương Kinh–Thượng.[7] The Cambodia Daily cho rằng "do sự khác biệt văn hóa và sắc tộc với người Việt, các bộ lạc người Thượng đã sát cánh cùng chính quyền Đế quốc thực dân Pháp chống lại Việt Minh cộng sản vào thập niên 1940. Người Pháp đã cho phép họ có một mức độ tự trị chính trị ở Tây Nguyên, nhưng sau Hiệp định Genève năm 1954 và việc Đế quốc thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, người Thượng đã mất những đặc quyền chính trị đó".[8] Đầu thập niên 1960, người Thượng được Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tuyển dụng và huấn luyện, chính quyền liên bang Hoa Kỳ bỏ rơi người Thượng sau khi Sài Gòn sụp đổ và chỉ thừa nhận họ là người tị nạn từ năm 1986.[9] The New York Times cho biết những cuộc xung đột không chỉ liên quan đến tôn giáo, mà còn do "người Việt miền xuôi định cư lấn chiếm đồn điền nông nghiệp của các bộ lạc bản địa" cũng như "mối liên kết giữa một nhóm Tin Lành tại Hoa Kỳ với một số người Thượng. Nhiều người Thượng đã chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa KỳViệt Nam Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam, một số người Thượng vẫn tiếp tục kháng cự sau thắng lợi của người cộng sản vào năm 1975".[10] Sau giai đoạn sát cánh cùng lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, 5.000 người Thượng được tái định cư tại North Carolina kể từ năm 1975.[11] Cựu binh người Thượng tại Tây Nguyên trải qua nhiều năm trong các trại lao động cải tạo hậu chiến tồi tàn và tiếp tục bị chính phủ bức hại, bị sắc tộc người Việt đẩy ra ngoài lề.[12] Người Thượng theo tín ngưỡng thuyết vật linh nhưng sau đó tiếp nhận đạo Tin Lành từ các nhà truyền giáo người Pháp vào thập niên 1850, điều này khiến người Thượng khác biệt về tôn giáo so với người Kinh.[13][14]

Giai đoạn hòa bình

Trong thập niên 1980 và thập niên 1990, các thành viên FULRO [tái định cư tại Hoa Kỳ] trở về Tây Nguyên với tư cách khách du lịch, âm thầm truyền tải thông tin về Tổ chức Quỹ người ThượngKsor Kok; mạng lưới liên lạc thông qua điện thoại, fax, thư–băng đĩa lậu. Đầu năm 2000, các nhà hoạt động địa phương và lãnh đạo nhà thờ bắt đầu nói về phong trào giành độc lập.[15] Từ thập niên 1980, nhiều đợt di dân người Việt đến Tây Nguyên được nhà nước hỗ trợ dưới tên gọi xây dựng các vùng kinh tế mới và hình thành cụm dân cư người Việt đầu tiên tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thuộc Lâm Đồng; số dân người Việt vào giữa năm 1990 đã vượt qua người thiểu số địa phương Tây Nguyên, giữa thập niên 1990 cũng xuất hiện người dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc di cư đến Tây Nguyên.[7] Tháng 8 năm 2000, khoảng 150 người Ê Đê tấn công một ngôi làng của người Kinh, bốn người bị thương và một số ngôi nhà bị đập phá,[13] cảnh sát địa phương bắt đầu thẩm vấn các cá nhân hoạt động đáng ngờ và giám sát chặt chẽ an ninh khu vực Tây Nguyên.[15] Ngày 22 tháng 9 năm 2000, một cuộc họp nội bộ của tổ chức chính trị FULRO diễn ra tại biệt thự nhỏ (do Ksor Kok sở hữu) ở thành phố Spartanburg thuộc bang Colorado; buổi họp tuyên bố thành lập 'nhà nước Đêga'[16] và thúc đẩy kế hoạch xây dựng phong trào giành độc lập tại Tây Nguyên.[15][17] Ngày 26 tháng 9 cùng năm, Ksor Kok cùng với tổ chức FULRO liên lạc với Ro Lan Ngol (bí danh Ama Chăm, tỉnh Gia Lai) và Ama Thái (cư trú tỉnh Gia Lai, từng theo đạo Tin Lành miền Nam Việt Nam) tạo dựng đạo Tin Lành Đêga và đồng thời thành lập Ban Lãnh đạo Tin Lành Đêga.[18] Cảnh sát bắt giữ một cặp vợ chồng người M'Nông tại một làng gần Buôn Ma Thuột vào ngày 8 tháng 1 năm 2001 và thả 5 ngày sau đó, cảnh sát bắt giữ Siu Un tại huyện Ea H'leo vào ngày 12 tháng 1 cùng năm khiến 300 người biểu tình phản đối hai ngày sau đó và Siu Un được thả vào cùng ngày.[15]

Buổi tối ngày 1 tháng 2, hàng trăm người Thượng trang bị cọc–dao găm–thuổng diễu hành qua quảng trường Đại đoàn kết tại thành phố Pleiku, trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai bị bao vây trong đêm, trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Gia Lai bị lục soát và bị đập phá cửa sổ vào khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau, trụ sở Cảnh sát tỉnh Gia Lai thuộc quyền kiểm soát của người Thượng lúc 11 giờ.[19] Một cuộc biểu tình bạo động diễn ra vào ngày 2 tháng 2 năm 2001 tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với đa số thành phần dân tộc thiểu số,[1] Ama Chăm sau đó trốn sang Campuchia,[18][20] Zan-na tại xã Hà Bầu bị bắt giữ,[21] Jean Đắk tại tỉnh Kon Tum bị bắt,[22] hơn 1.000 người Thượng đã bỏ trốn sang Campuchia để xin tị nạn[23][24][25][26] (hoặc gần 2.000 người Thượng tị nạn theo nguồn phía Việt Nam[27]) tại RatanakiriMondulkiri (một số lượng người Thượng không xác định lẩn trốn tại Campuchia vì sợ bị trục xuất về Việt Nam).[28] Số người biểu tình năm 2001 tại Gia Lai lên tới 8.000 người, tại Đắk Lắk khoảng 1.093 người, tại Kon Tum không có nhiều người tham gia.[1][27] Lực lượng cảnh sát tiếp viện bị chặn tại quốc lộ 14 do người Thượng kiểm soát, 200–300 cảnh sát tiếp cận thành phố Pleiku bằng máy bay trực thăng và xe tải vào chiều ngày 3 tháng 2, hàng nghìn người Thượng đang tập trung tại quảng trường Đại đoàn kết thời điểm đó đã rời đi sau khi được cảnh sát thuyết phục, 20–25 người Thượng bị bắt giữ do phản ứng quá khích, biên giới Việt Nam–Campuchia bị kiểm soát an ninh chặt chẽ.[19] Ngày 4 tháng 5 năm 2001, một nhóm người Thượng biểu tình trước tòa nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York, giơ các biểu ngữ tiếng Anh–tiếng Trung–tiếng Pháp–tiếng Việt yêu cầu chính phủ Việt Nam trả lại đất.[9] Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cuộc biểu tình vào tháng 2 năm 2001 nhằm đòi trả lại đất đai tổ tiên và quyền tự do tôn giáo,[14][24][25][10] 36 người Thượng bị bắt và 32 người Thượng chờ xét xử tại tòa.[24] Người Thượng yêu cầu bổi thường đất tổ tiên bị chuyển đổi thành đồn điền cà phê của người Kinh, phản đối di dân người Kinh từ đồng bằng sông Hồng, phản đối người dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc đến tái định cư do xây dựng các dự án thủy điện. Họ mong muốn thực hành Tin Lành tự do và từ chối Giáo hội Tin Lành Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, cáo buộc chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Vỹ Hà biển thủ ngân sách phát triển làng do Hà Nội phân bổ. Tây Nguyên bị phong tỏa với người nước ngoài sau sự kiện, một nhóm nhỏ các nhà báo quốc tế đến thị sát khu vực dưới sự giám sát chặt chẽ từ quan chức Việt Nam và việc phỏng vấn người biểu tình bị cấm.[19]

Ngày 18 tháng 1 năm 2002, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 10 về quốc phòng–an ninh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2001–2010.[29] Cuối tháng 2 năm 2002, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết bị chính phủ Việt Nam từ chối tiếp cận những ngôi làng địa phương tiếp nhận người tị nạn bị trục xuất về Việt Nam, đồng thời tố cáo phái đoàn chính phủ Việt Nam–chính phủ Campuchia tự ý đến trại tị nạn ở Mondolkiri mà không xin phép, tình huống một viên cảnh sát Campuchia đánh người Thượng tị nạn bằng dùi cui điện do nhóm xo xát với phái đoàn Việt Nam.[28] Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Raymond F. Burghardt khẳng định "Hoa Kỳ không ủng hộ nhà nước Đêga ở Tây Nguyên" vào ngày 16 tháng 3 năm 2002.[30] Trong tháng 3 năm 2002, chính phủ Campuchia đóng cửa hai trại tị nạn người Thượng từ Tây Nguyên vượt biên sang, Hoa Kỳ đã đồng ý tái định cư cho 900 người Thượng.[31] Theo Time, khoảng 1.000 người Thượng được tái định cư tại Hoa Kỳ kể từ sự kiện biểu tình năm 2001.[32] Ksor Kok họp nội bộ tổ chức 'Nhà nước Đêga' tại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2002. Từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7 năm 2003, Ksor Kơk đã bảy lần gặp mặt đại diện Đảng Cấp tiến xuyên quốc gia (tổ chức phi chính phủ tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc) và một số quan chức cấp cao trong chính phủ Ý. Ksor Kok tham dự Uỷ ban Nhân quyền vào ngày 28 tháng 10 năm 2003.[33] The Cambodia Daily cho biết chính phủ Campuchia đã trục xuất hơn 100 người Thượng vào năm 2003 do áp lực từ Hà Nội, buộc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đóng cửa trại tị nạn vào tháng 4 cùng năm.[8] VnExpress cho biết vào đầu năm 2004, một số người [tự xưng thuộc tổ chức của Ksor Kok] đến vận động một vài cá nhân ở địa phương tập trung lực lượng biểu tình, mục đích nhằm đuổi người Kinh khỏi Tây Nguyên và trưng thu tài sản.[34] Đầu tháng 3 năm 2004, Ksor Kok và Siu Phan liên lạc với Ama Thái nhằm chuẩn bị kế hoạch biểu tình vào dịp lễ Phục Sinh đầu tháng 4 cùng năm, Ama Thái phát động phong trào tách Tin Lành Đêga ra khỏi Tin Lành.[18] Từ tháng 2 năm 2001 đến tháng 4 năm 2004, lực lượng an ninh Việt Nam xử lý 1.629 người, giáo dục cảm hóa hơn 4.000 người, xóa 256 tổ chức ngầm liên quan đến FULRO.[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu tình Tây Nguyên 2004 http://www.nytimes.com/2001/05/05/nyregion/new-pro... http://www.mar.umd.edu/assessment.asp?groupId=8160... http://hrlibrary.umn.edu/research/vietnam/IGO-repo... http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_318... http://www.asianews.it/news-en/Fleeing-Montagnard-... http://www.asianews.it/news-en/Phnom-Penh-closes-a... http://www.vietnamhumanrights.net/website/bbc_4110... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/c... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/d... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/h...